Lũ Lụt Lào Cai

Lũ Lụt Lào Cai

(NADS) - Lũ về TP Lào Cai từ rạng sáng qua. Thống kê toàn tỉnh có hơn 4.600 ngôi nhà ngập nước, trong đó nặng nhất là TP Lào Cai với hơn 1.600 nhà, huyện Bảo Yên hơn 1.200 nhà. Nhiều người dân phải đi sơ tán, tới sáng nay mới trở về nhà.

(NADS) - Lũ về TP Lào Cai từ rạng sáng qua. Thống kê toàn tỉnh có hơn 4.600 ngôi nhà ngập nước, trong đó nặng nhất là TP Lào Cai với hơn 1.600 nhà, huyện Bảo Yên hơn 1.200 nhà. Nhiều người dân phải đi sơ tán, tới sáng nay mới trở về nhà.

TRƯỜNG THPT LÊ VĂN THIÊM - HÀ NỘI

Bị đánh thức bởi tiếng động bất thường, anh Hoàng Xuân Giang ra ngoài kiểm tra thì mặt đất rung chuyển, cây cối trên núi cùng bùn đất cuồn cuộn tràn xuống, san phẳng 37 hộ dân ở Làng Nủ.

Chiều 11/9, chăm sóc vợ con tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, gương mặt anh Hoàng Xuân Giang còn nguyên vẻ thất thần. Vợ chồng anh và con gái 3 tuổi là gia đình duy nhất còn đầy đủ thành viên sau vụ sạt lở ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, nằm dưới chân núi Con Voi lúc 6h hôm qua.

Đất đá bất ngờ theo dòng lũ tràn từ ngọn núi cách làng chừng 500 m xuống khu dân cư, san phẳng nhà 37 hộ dân với 158 nhân khẩu (ba người trên 70 tuổi, 18 trẻ dưới 6 tuổi, 14 người dưới 14 tuổi, còn lại 15-69 tuổi). Khu này nằm xa trung tâm xã, cách huyện Bảo Yên 40 km, cách TP Lào Cai 120 km, giao thông chia cắt do mưa lũ, sạt lở.

Vợ anh Hoàng Xuân Giang - chị Nguyễn Thị Kim được bác sĩ vệ sinh vết thương trước khi chuyển lên bệnh viện tuyến trên, chiều 11/9. Ảnh: Thanh Hằng

Trước đó, anh Giang tỉnh giấc vì tiếng "lộc cộc" của đất đá nên ra ngoài kiểm tra, trong khi vợ và con gái vẫn ngủ. Nghĩ tiếng động do nước suối cách nhà chừng 200 m dâng cao, anh băng qua tới đó. Gần đến nơi, anh thấy mặt đất rung chuyển, cây cối trên núi Con Voi rung lắc dữ dội, nước xối mạnh như thác.

"Không nghĩ được gì, tôi chỉ biết cắm đầu chạy. Được một đoạn, tôi nghe tiếng rầm, ngoái lại không thấy bản làng nữa, chỉ toàn nước và bùn. Bụi và hơi nước màu đỏ cuộn bốc lên như sóng thần", anh Giang kể.

Trước cảnh tượng "kinh hoàng", anh ngã quỵ vì nghĩ đã mất cả gia đình, vừa khóc vừa kêu lớn "vợ ơi, con ơi". "Chưa bao giờ tôi tuyệt vọng đến thế. Mãi tới khi được báo vợ và con còn sống, đang ở trạm xá, tôi mới thấy như được sống lại", anh Giang nói.

Người dân kể giây phút lũ quét qua làng Nủ

Người dân kể giây phút lũ ập xuống làng. Video: Phương Hằng - Phú Thành - Nam Lộc

Nằm trên giường bệnh với cánh tay bị gãy, thân thể chi chít vết thương, chị Nguyễn Thị Kim, 27 tuổi, vợ anh Giang, cho biết lúc đó chỉ nghe tiếng "uỵch" thì bị hất văng vào tường. Mở mắt ra thấy chìm trong bùn và nước, chị vùng vẫy tìm con, đau đớn vì cánh tay phải đã gãy.

"Xung quanh tôi toàn là bò, lợn... Người và vật bị nhấn chìm trong tích tắc", chị kể, ước chừng bị cuốn trôi trong dòng lũ 40-50 m.

Ngay khi ngoi được lên mặt bùn, chị lại tìm con. Nghe có tiếng động ở đâu, chị đều cố bơi tới, nhưng chỉ được đoạn ngắn. Đau, kiệt sức, hoảng loạn, chị tính buông xuôi thì bất ngờ thấy con gái chui lên từ bùn ở khoảng cách vài chục mét. Bé bám vào tấm ván, khóc gọi "mẹ ơi, cứu con", nhưng chị không đủ sức bơi tới.

"Người tôi hoàn toàn mất cảm giác. May lúc đó có người tới cứu, vì nghe tiếng con bé khóc", chị Kim kể. Ngoài gãy tay, chị được chẩn đoán đa chấn thương, là một trong những ca nặng. Đến 16h30 hôm nay, chị và con gái được chuyển lên tuyến trên để được chăm sóc tốt hơn.

Bà Thanh tại bệnh viện chăm cháu ngoại - người duy nhất sống sót trong gia đình 6 người, chiều 11/9. Ảnh: Thanh Hằng

Không may mắn như vợ chồng anh Giang, bé Hoàng Ngọc Lan, 6 tuổi, là người duy nhất trong gia đình 6 người sống sót. Sạt lở đã vùi lấp bố mẹ, hai anh và bà nội của bé.

Chăm cháu ngoại tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, bà Hoàng Thị Thanh, 52 tuổi, không ngừng khóc. Nhắc lại sự việc sáng qua, bà bảo "vẫn chưa hết bàng hoàng".

Bà Thanh ở làng bên, nghe có người nói "Làng Nủ trôi hết rồi", bà vội vã chạy về hướng nhà con gái Hoàng Thị Châu, 31 tuổi, cùng chồng Hoàng Ngọc Lai, 33 tuổi và 3 con. Nhưng trước mắt bà, Làng Nủ đã bị san phẳng, chỉ toàn bùn đất.

"Tối hôm kia, cháu Lan khoe cùng hai anh ngủ tại nhà bà nội, nên lúc nghe tin tôi nghĩ 'nhà bà ấy cao ráo, sẽ không việc gì'. Không ngờ, tất cả bị vùi hết rồi", bà Thanh khóc.

Đêm qua, bà không thể chợp mắt vì thương hai con chưa được tìm thấy, lại xót xa cho đứa cháu 6 tuổi bơ vơ. "Không biết sắp tới, tôi lo ăn học cho cháu Lan thế nào", giọng bà Thanh lo lắng.

Bé Hoàng Ngọc Lan bị đa chấn thương, nhiều nhất ở chân trái và mặt. Ảnh: Thanh Hằng

Ông Ngô Văn Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, cho biết đơn vị tiếp nhận 16 người bị thương từ vụ sạt lở Làng Nủ. Đầu tiên là một trẻ em, được người thân bế tới lúc 10h sáng qua. Sau đó, khi được tỉnh thông báo sự việc, ông và các bác sĩ tới Trạm Y tế xã Phúc Khánh tiếp nhận thêm 15 nạn nhân.

Họ hầu hết bị đa chấn thương, toàn thân xây xát, đau đớn và khó cử động. Hai bệnh nhân nặng nhất phải thở máy, các ca còn lại gãy xương, nội chấn thương, tổn thương da, sang chấn tâm lý. "Nặng nhất là người gãy xương đòn và xương đùi, nghi chấn thương sọ não và tràn dịch màng phổi", ông Hoàng nói.

Hiện, bệnh viện đã chuyển 9 người lên tuyến trên để đảm bảo điều kiện chăm sóc, còn 8 người nội trú, sức khỏe tạm thời ổn định.

Thống kê đến chiều nay, tỉnh Lào Cai ghi nhận vụ sạt lở tại Làng Nủ khiến 30 người chết, 65 người mất tích. 300 chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2; 80 cảnh sát cơ động của Bộ Tư lệnh cơ động tại Lào Cai cùng hàng trăm người đang chia nhau tìm kiếm người mất tích.

Toàn cảnh thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, chiều 11/9. Ảnh: Ngọc Thành

Anh Hoàng Xuân Giang cho biết chị Kim làm nhân viên tại một siêu thị điện máy tại thị trấn Phố Ràng, cách nhà khoảng 20 km. Còn anh làm thuê gần nhà. Tài sản vợ chồng tích cóp từ lúc cưới đã bị chôn vùi dưới hàng mét bùn đất. Những ngày qua, anh chị sống bằng sự hỗ trợ của chính quyền, bệnh viện và nhà hảo tâm.

"Tôi cũng chưa có định hướng sẽ làm gì, ở đâu. Giờ chỉ mong chạy chữa được cho vợ con", anh nói.